Thursday 17 November 2011

Xu hướng thiết kế nhà bếp



SGTT.VN - Ngày nay, khi xây dựng một căn nhà, chúng ta thấy rằng bếp là nơi được gia chủ đầu tư nhiều nhất cả về tài chính cũng như thiết kế. Tại Việt Nam, ngoài những thiết kế cổ điển, những nhà bếp phong cách hiện đại cũng ngày càng được ưa chuộng. KT&ĐS xin giới thiệu đến bạn đọc, xu hướng thiết kế nhà bếp theo phong cách hiện đại trên thế giới.

Những dạng nhà bếp mở. Ảnh: Leicht

Liên kết không gian phòng khách và bếp

Ngày nay, với cuộc sống luôn bận rộn, bếp đã trở thành không gian sinh hoạt chung chính của cả gia đình. Do đó, những thiết kế bếp đi liền với không gian phòng khách, nhà bếp mở đang được chú trọng hơn cả. Để không gian bếp và khách ăn nhập với nhau, những hệ tủ dài chạy xuyên suốt từ không gian tiếp khách, chuyển đổi mềm thành tủ bếp đặc trưng thường được sử dụng. Các tủ bếp hầu hết được thiết kế sao cho vừa đảm bảo công năng “bếp” vừa là tủ trang trí. Sự phân chia không gian mềm ở những hệ tủ bếp như vậy thường chỉ diễn ra thông qua sự ngắt quãng hay thay đổi nhẹ nhàng về vật liệu hay màu sắc. Những thiết kế kiểu này đặc biệt phù hợp cho những căn hộ trung bình với diện tích phòng khách + bếp chỉ khoảng 40m².

Bếp không tay nắm. Ảnh: Leicht

Trắng và các tông màu sáng – xu hướng màu sắc chủ đạo trong nhà bếp

Hầu hết những bộ sưu tập bếp mới nhất được giới thiệu trong năm nay đều lấy màu trắng và các tông màu sáng, như veneer sồi, làm màu chủ đạo. Trước kia, vì những hạn chế về vật liệu, lo ngại sự bám bẩn, màu trắng thường ít khi được sử dụng. Với các vật liệu hạn chế bám dầu mỡ như acrylic, laminate, kính… việc vệ sinh trở nên dễ dàng. Về mặt hình thức, các màu sáng khiến khối tủ bếp gọn hơn và nó đặc biệt ăn nhập với màu inox của các thiết bị điện.

Tủ bếp không tay nắm

Đa phần các thiết kế tủ bếp mới hạn chế sự xuất hiện của tay nắm. Cũng nhờ sự phát triển của vật liệu, việc dùng tay nắm âm (khe, gờ được khoét sẵn trong cánh tủ) không còn gây lo ngại về việc bị bám bẩn. Các hệ chốt “ấn – đẩy” cũng đảm nhiệm tốt được chức năng đóng mở mà không cần tay nắm hay gờ khoét âm. Ưu điểm của tủ bếp không tay nắm là thiết kế gọn và dễ vệ sinh.

Công nghệ chiếu sáng mới. Ảnh: Rossana, Poggenpohl.

Đèn LED và công nghệ điều khiển điện tử biến nhà bếp thành không gian thư giãn

Sự phát triển vượt trội của công nghệ đèn LED trong những năm vừa qua đã đem lại “ánh sáng mới” cho nhà bếp. Trước kia việc thiết kế, lắp đặt ánh sáng trong nhà bếp gặp nhiều khó khăn bởi kích thước và sự toả nhiệt của thiết bị chiếu sáng. Những ưu điểm vượt trội của đèn LED như kích thước nhỏ gọn, tiết kiệm điện, toả nhiệt rất thấp, độ tái hiện màu sắc tốt đã khiến ánh sáng LED trở thành tiêu chuẩn cho mọi nhà bếp hiện đại. Thêm vào đó, sự phát triển của mạng không dây và công nghệ điều khiển điện tử cũng được các nhà thiết kế ứng dụng và biến nhà bếp thành không gian thư giãn, giải trí đích thực. Hầu hết các thiết kế mới đều kèm theo hệ thống loa gắn âm tủ cùng với bộ điều khiển trung tâm.

Bài: phi vũ

source

http://sgtt.vn/Kien-truc-doi-song/Chi-tiet/152666/Xu-huong-thiet-ke-nha-bep.html

Tuesday 15 November 2011

Ô cửa hoa lá xinh tươi



TTO - Từ cách những nhà thiết kế sân vườn phương Tây đưa hoa lá vào sửa sổ trong nhà để bảo đảm nhiều loài cây cảnh có thể xanh tươi qua mùa đông, ta có thể học được cách gắn thêm những chiếc kệ hoa lá sau ô cửa sổ để tạo thêm "vườn hoa" nho nhỏ trong nhà.

Tạo dựng một "vườn hoa" sau ô cửa sổ hoàn toàn không khó. Bạn chỉ cần sơn phần khung cửa sổ với gam màu sao cho hài hòa với màu nền ngôi nhà và khung cảnh hoa lá bên trong cũng như bên ngoài ô cửa sổ, gắn thêm những chiếc kệ bằng thủy tinh để mặc sức sắp xếp vô số chậu cây hoa cảnh ngay sát sau khung cửa kính.

1. Tận dụng khung cửa sổ rộng

Nếu bạn có một ô cửa nhô ra với ba mặt cửa sổ trổ ra khung cảnh bên ngoài thì thật là lý tưởng để gắn thêm các kệ chứa chậu cảnh sát phía sau cửa sổ. Cách làm này vừa giúp các loại cây xanh tận hưởng được ánh sáng thiên nhiên bên ngoài, vừa tạo được khu vườn phong phú sắc màu trong không gian phòng khách, thư viện hoặc phòng giải trí.

Các chậu cây hoa nhỏ thích hợp có "vườn hoa" sau ô cửa thường là hoa păngxê, cẩm tú cầu, loa kèn, các loại họ lá môn, họ dây leo...

2. Tận dụng ngưỡng cửa sổ

Nếu phần bệ cửa sổ chưa đủ rộng để kê thêm chậu hoa cảnh, bạn có thể tận dụng thêm chiếc kệ sách bằng gỗ có chiều cao bằng bệ cửa sổ và đặt chậu hoa lên nóc kệ. Hãy sơn chiếc kệ gỗ có cùng gam màu với bệ cửa sổ để tạo màu sắc hài hòa. Cũng có thể chọn màu gỗ tự nhiên sao cho thật ăn ý với màu bệ cửa sổ, bạn sẽ tạo ra một bề mặt kệ sách đẹp đẽ để đặt thêm nhiều chậu hoa xinh đẹp.

3. Gắn thêm kệ thủy tinh

Đối với người mê hoa lá thì chỉ độc một cái bệ cửa sổ chưng vài chậu cây thì chưa đủ ngắm cho thỏa thuê. Đó phải là một khu vườn nho nhỏ thật sự với những chiếc kệ thủy tinh bày đủ loại hoa cảnh phong phú sắc màu, trông như một bức tranh khu vườn xanh tươi thật sự nơi ô cửa sổ nhà bạn.

Thông thường với một ô cửa sổ, bạn có thể gắn thêm ba chiếc kệ thủy tinh để đặt chậu hoa cảnh. Kệ thứ nhất ngang với bệ cửa sổ, kệ thứ hai nằm giữa bệ cửa và điểm chính giữa khung cửa sổ, kệ thứ ba nằm ngay điểm chính giữa khung cửa sổ. Chọn loại kính làm kệ dày hơn 1 cm là vừa đẹp.

4. Giá đỡ

Những loại giá đỡ bằng sắt gắn kết những đường hoa văn cầu kỳ sẽ là những phụ kiện rất hữu ích để tạo nên khung cửa sổ đẹp. Khi bạn thiết kế những chiếc kệ thủy tinh để đặt chậu cây hoa cảnh, đừng quên đầu tư cho những chiếc giá đỡ kệ thủy tinh duyên dáng này. Có những kiểu giá đỡ đặc biệt có gắn thêm một phần giá nến bên ngoài phần gá kệ thủy tinh, bạn có thể tận dụng phần giá nến này đặt thêm một chậu hoa nhỏ xinh nữa.

5. Thay đổi hoa lá theo mùa

Bạn hoàn toàn có thể thay đổi gam màu khu vườn nhỏ xinh nơi ô cửa sổ tùy theo hoa lá có trong một mùa nhất định trong năm. Hãy chọn những chậu hoa be bé vừa xinh đặt trên những chiếc kệ thủy tinh và những dây leo lá xanh viền quanh ô cửa, những chậu hoa hoặc cây cảnh to hơn dành để tạo điểm nhấn nơi giá đỡ và góc cửa sổ.

6. Viền ô cửa với dây leo xanh

Những dây leo lá xanh như trầu bà, thường xuân... sẽ mang lại cho bạn những vệt viền khung cửa sổ trông thật sinh động và tươi mát. Chỉ cần sắp xếp những chậu cây sao cho độ dài dây leo đủ để viền quanh khung cửa sổ của "khu vườn" hoa lá.

7. Khung cửa sổ sắc màu

"Mảnh vườn" nhỏ phía sau ô cửa nhà bạn có thể tùy biến chuyển đổi những sắc hoa theo từng tháng, ví dụ như tháng 12 sẽ là sắc đỏ, hồng của những loài cây trang trí Noel.

Tháng giêng khi muôn hoa đua nở, ô cửa sổ cũng sẽ bừng sáng với hoa hồng, uất kim hương, thủy tiên, dương xỉ, ly ly...

8. Rèm cửa hài hòa với hoa lá

Nếu khung cửa sổ nhà bạn có treo rèm, dĩ nhiên bạn không thể tháo gỡ hẳn bộ rèm để dọn chỗ bày "vườn hoa" nhỏ nơi bệ cửa sổ, chỉ cần vén gọn bộ rèm sang hai bên là tạo ngay được một bộ khung rèm hài hòa với chậu cảnh hoa lá ở giữa ô cửa. Màu đỏ sẫm của bộ rèm cửa như càng tạo thêm độ sâu cho bức tranh hoa tươi của cẩm tú cầu, hoa hồng, hoa cúc, dây leo... thêm sống động sắc màu.

Tạo lập một khu vườn cảnh sau ô cửa sổ không quá tốn tiền và khó khăn, song vẻ đẹp và giá trị mà mảng hoa lá này mang lại cho ngôi nhà thì không thể kể xiết.

KH.NGỌC (Theo Gardendesign)

source

http://diaoc.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=464402&ChannelID=368